Điện lực nói dân đặt cục nam châm trên đồng hồ điện là trộm điện; tòa cho rằng muốn xử phạt phải chứng minh nam châm ảnh hưởng ra sao.
Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa tuyên hủy án sơ thẩm vụ bà Nguyễn Thị Luy (ngụ thị xã Long Khánh, Đồng Nai) kiện chánh thanh tra Sở Công Thương tỉnh này. Tòa yêu cầu cấp sơ thẩm giải quyết vụ án lại từ đầu.
Không rõ đã trộm bao nhiêu?
Bà Nguyễn Thị Luy, người khởi kiện, trình bày ngày 23-5-2013, con gái lớn của bà đang ở nhà thì có hai cán bộ mặc đồng phục điện lực đến kiểm tra đồng hồ điện và thông báo gia đình bà trộm cắp điện bằng cục nam châm để trên đồng hồ điện. Sau đó cán bộ điện lực lập biên bản, đến ngày 19-7-2013, chánh thanh tra Sở Công Thương tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạt hành chính hộ nhà bà.
Không đồng tình, bà Luy khởi kiện ra TAND tỉnh Đồng Nai để hủy quyết định này vì bốn lý do. Thứ nhất, nhân viên điện lực tự ý xông vào nhà bà không xuất trình thẻ kiểm tra viên, không thông báo nội dung kiểm tra cho con bà biết. Thứ hai, chưa được phép của chủ nhà nhưng nhân viên điện lực đã xông vào nhà lục lọi đồ cá nhân là xâm phạm gia cư bất hợp pháp.
Thứ ba, biên bản kiểm tra không mô tả chi tiết hành vi vi phạm, sai phạm nhưng kết luận nhà bà ăn cắp điện; số điện năng ăn cắp bao nhiêu, ăn cắp như thế nào cũng không nói rõ. Trong khi đó, đồng hồ điện không có xâm phạm, niêm phong còn nguyên, không có bất kỳ dấu hiệu nào là có trộm cắp xảy ra.
Thứ tư, điện lực không tiến hành kiểm tra, giám định tang vật, chứng cứ mà nhân viên điện lực mang vào và vu khống cho con bà. Điều này vi phạm quy định trong Thông tư 27 năm 2011 của Bộ Công Thương về trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực.
Thừa nhận hành vi và nộp tiền truy thu
Trong lần đối thoại gần nhất, phía bà Luy đồng ý rút yêu cầu đòi bồi thường danh dự, uy tín.
Ngược lại, phía người bị kiện cho rằng ngày 23-5-2013 Điện lực Long Khánh tiến hành kiểm tra phát hiện hộ bà Luy đã dùng nam châm đặt trên thùng công tơ để làm cho công tơ đo đếm điện hoạt động không chính xác. Điện lực Long Khánh đã bảo vệ hiện trường, lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm, tiến hành cắt điện và niêm phong công tơ đo đếm cùng tang vật vi phạm (khối nam châm). Việc này có sự chứng kiến của con gái bà Luy và một đại diện khu phố cùng ký vào các biên bản.
Trong cuộc họp, sau khi nghe Điện lực Long Khánh trình bày, con của bà Luy cũng thừa nhận có hành vi vi phạm như trên và mong được xem xét giải quyết cho gia đình cấp điện sử dụng lại. Hai ngày sau, họ còn nộp tiền truy thu điện và có đơn xin đóng thành ba lần vì hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, hành vi vi phạm đã rõ. Phía người bị kiện đề nghị tòa bác yêu cầu của người khởi kiện.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai đã bác yêu cầu của bà Luy. Bà Luy kháng cáo.
Nam châm ảnh hưởng ra sao?
Tranh luận tại phiên phúc thẩm, bà Luy cho rằng biên bản vi phạm quả tang, việc kiểm tra đồng hồ điện không có nhân chứng cũng như việc thu giữ nam châm không đúng quy định của phía điện lực. Đặc biệt, luật sư của bà Luy nhấn mạnh việc điện lực chưa chứng minh cơ chế ảnh hưởng của cục nam châm. Ảnh chụp cục nam châm không chứng minh được điều gì do không thể hiện thời gian, không gian, không có người làm chứng. Biên bản vi phạm hành chính không hợp lệ do phần làm chứng để trống trong khi xảy ra sự việc con bà Luy có phản ứng nên phải có người làm chứng.
HĐXX phúc thẩm nhận định việc Điện lực Long Khánh kiểm tra, lập biên bản việc sử dụng điện tại hộ bà Luy là đúng trình tự pháp luật. Qua đó có cơ sở xác định hộ này có hành vi đặt nam châm trên điện kế nhà mình đang sử dụng.
Tuy nhiên, thời điểm chánh thanh tra Sở Công Thương ra quyết định xử phạt bà Luy thì không có văn bản nào của cơ quan chức năng xác định hành vi để nam châm lên điện kế là hành vi trộm cắp điện. Cũng không có văn bản nào khẳng định việc đặt nam châm trên điện kế sẽ làm sai lệch hoặc tê liệt hệ thống đo đếm điện sử dụng. Do đó, ở đây chưa chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi đặt cục nam châm trên điện kế với việc làm chậm hoặc tê liệt vòng quay của điện kế.
Theo tòa, lẽ ra Điện lực Long Khánh phải mời các cơ quan chức năng thực nghiệm để đưa ra kết luận cụ thể làm căn cứ xử phạt thì mới chính xác... Từ đó, tòa hủy án để TAND tỉnh Đồng Nai điều tra, xét xử lại.
Theo PLO
Viết bình luận